Để chế tạo các chi tiết lớn có độ bền cao, đặc biệt là các bánh răng có kích thước lớn của các hộp giảm tốc, người ta phải sử dụng công nghệ rèn ép. Công nghệ này đòi hỏi phải đầu tư các thiết bị ép thuỷ lực có lực ép đến hàng chục nghìn tấn. Nhưng nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công nghiệp) đã thực hiện thành công công nghệ phối hợp hàn và gia công áp lực tạo phôi chi tiết lớn chất lượng cao. Đây là kết quả của đề tài khoa học KC 05.03 “Nghiên cứu phối hợp công nghệ hàn và gia công áp lực tạo phôi chi tiết lớn”.
Những ý tưởng ban đầu tiến hành nghiên cứu: “Cách đây khoảng 7 – 8 năm, hộp truyền lực của một máy nghiền bi tại Công ty Xi măng Hoàng Thạch có một vành răng bị đứt, một máy nghiền không làm việc được. Công ty này đã phải mời chuyên gia của Na Uy đến chữa tạm bằng cách hàn nối thủ công mất hơn 1 tỷ đồng. Song máy cũng chỉ hoạt động lại được trong vòng 3 tháng là phải thay toàn cục (giá nhập toàn cục và bánh răng truyền lực của máy nghiền này là 1.400.000USD).Để có thể khắc phục các khó khăn này, chỉ một cách duy nhất là phải tự sản xuất ở trong nước hộp truyền lực công suất lớn có độ bền cao, đặc biệt phải chế tạo được các phụ tùng thay thế. Từ đó chung tôi bắt tay vào nghiên cứu”.
Giải quyết vấn đề này, một giải pháp hợp lý được nhóm nghiên cứu đưa ra là: Phối hợp công nghệ hàn và gia công áp lực để tạo phôi chi tiết vành răng có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn ở Việt Nam. GS.TSKH Hàn Đức Kim cho biết: “Để tăng khả năng chống xoay giữa vành răng và moay ơ, sau khi ghép căng ở trạng thái nóng, chúng tôi dùng que hàn thép không gỉ với đường kính f = 3mm để hàn liên kết một số điểm giữa vành răng và moay ơ. Bằng phương pháp gia công phối hợp, chúng tôi đã tạo được vành răng mà vật liệu chủ yếu đã được thông qua công nghệ cán có chất lượng tương đương như thép rèn ép hoặc cao hơn.
Sau khi đã phân tích các kết quả thí nghiệm bền, cho phép khẳng định được phương hướng dùng công nghệ phối hợp hàn và gia công áp lực để tạo phôi chi tiết lớn, đặc biệt là vành răng có độ bền cao, là hợp lý trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay. Độ bền kéo đứt của vành răng được chế tạo theo công nghệ phối hợp có thể đạt từ 95 – 98% độ bền của vành răng được chế tạo bằng công nghệ rèn ép…”
Công ty Xi măng Hải Phòng là doanh nghiệp đầu tiên đặt đề tài thiết kế và chế tạo hộp giảm tốc GT 3B-2080 thay cho lò nung klinker. Sản phẩm này sau khi chạy liên tục gần 3 năm vẫn đạt chất lượng tốt, và lần lượt vận dụng các kết quả nghiên cứu cho chế tạo hộp giảm tốc máy cán thép cho Thép Nam Đô, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại…”.
Được biết khi chưa có công nghệ này, Việt Nam chỉ có duy nhất công nghệ đúc để tạo phôi vành răng,, chất lượng phôi rất kém, không thể tạo vành răng chất lượng cao, không thể chế tạo phụ tùng thay thế. Nay qua một thời gian dài thử nghiệm trong sản xuất (từ 2 năm đến 3 năm liên tục) cho thấy sử dụng công nghệ phối hợp tạo phôi vành răng lớn với độ bền tương đương với độ bền vành răng được chế tạo bằng công nghệ rèn ép, từ đó cho phép ta có thể chế tạo được các hộp giảm tốc lớn có độ bền cao mà trước đây ta thường phải nhập từ nước ngoài, cho phép Việt Nam chế tạo được các vành răng và bánh răng thay thế của các hộp giảm tốc lớn. Giá thành chế tạo một hộp giảm tốc theo công nghệ phối hợp được thực hiện ở Việt Nam chỉ bằng 45 – 50% giá nhập một sản phẩm tương tự. Đặc biệt công nghệ này còn mở ra triển vọng cho việc chế tạo các bánh răng hộp số cho xe vận tải lớn.